1. BQT thông báo: Bạn sẽ tiết kiệm rất nhiều, rất nhiều thời gian khi bạn tuân thủ ĐIỀU KHOẢN SỬ DỤNG của diễn đàn. "Bạn dành 1 tiếng, 2 tiếng... để đăng bài, BQT chỉ cần 1 phút để xóa tất cả các bài đăng của bạn."
    Dismiss Notice

Võ Lập Phúc Trở Thành Thủ Khoa Như Thế Nào?

Thảo luận trong 'Tin tức trong nước' bắt đầu bởi vatly, Thg 7 23, 2021.

Lượt xem: 793

Tags:
  1. vatly

    vatly Member

    <Bài viết của bạn Võ Lập Phúc> - Thủ khoa khối D14 toàn quốc. Các em tham khảo nhé!

    "[TIẾN TRÌNH ÔN THI D14] - Trả lời cho câu hỏi: “Trở thành thủ khoa bằng cách nào?”
    ---
    Võ Lập Phúc là ai?
    Xin chào tất cả các bạn! Anh tên là Võ Lập Phúc, học sinh trường THPT Chu Văn An, tỉnh An Giang - thủ khoa toàn quốc khối D14 với điểm số các môn thành phần bao gồm: Văn 9.75, Lịch Sử 9.75, Anh Văn 9.6.

    Có rất rất rất nhiều bạn vài hôm nay hỏi anh về phương thức và nội dung cần học bao hàm những gì. Sau đây, anh rất lấy làm vinh dự để chia sẻ với các bạn tiến trình được anh sắp xếp và hệ thống hóa nó bên dưới.

    Các bạn sắp sửa đọc một bài viết có độ dài 10 trang A4 full mặt. Và anh mong rằng, các bạn xin đừng đọc nó hời hợt và qua loa. Anh viết tặng nó dành cho các bạn - những người sẵn sàng quyết tâm chinh chiến cho thử thách sắp sửa đối đầu. Các file kiến thức anh không tập trung vào một file mà sẽ để các file PHÂN TÁN khắp bài viết.

    Anh đăng tải bài viết này nhân buổi tối trước ngày đầu tiên các bạn vào học trong tư thế học sinh lớp 12 (anh nghĩ một tuyệt đại bộ phận những bạn đọc bài viết này sẽ là học sinh năm 2003) như là một lời chúc cho nỗ lực, thành công và bứt phá.

    CHIA SẺ BÊN DƯỚI MANG TÍNH CHỦ QUAN VÀ PHÁT XUẤT TỪ CÁ NHÂN NGƯỜI VIẾT!
    ---
    NGỮ VĂN
    - Trước khi đi vào các vấn đề bên dưới, anh phải nói rõ trước như thế này. Rằng tất cả các nội dung anh chia sẻ bên dưới là trên nền tảng các em đã nắm chắc kiến thức căn bản rồi. Tức là, không cần phải đề cập nhiều về vấn đề này nữa, anh chân tình khuyên các em hãy HỌC THUỘC, rành mạch và tường tận các vấn đề trọng tâm bao gồm: tác giả (KHÔNG học năm sinh, năm mất, quê quán. Chỉ học các yếu tố chính định hình phong cách chuyên biệt của mỗi tác giả), tác phẩm, nghệ thuật (cái này vô cùng quan trọng, luôn luôn phải có một đoạn chốt về nghệ thuật trước khi kết bài). 3 thành tố này là quan trọng nhất, cơ bản nhất mà tụi mình đều buộc phải nằm chắc trong lòng khi học văn. Dần dần khi làm nhiều đề, các em sẽ quen với tất thảy những nội dung này. Nhớ khi học xong phải đọc lại, 2 tuần trước khi thi là phải “há miệng rớt chữ” hết 3 nội dung này, không được nhầm lẫn âuuuu huhuhhu >< - Việc lựa chọn mua tài liệu là một trong những quyết định quan trọng. Anh thấy có rất nhiều bạn lựa chọn mua những tài liệu dày cộm, ghi chi tiết là mình tậu ngay để có thể tìm được ý viết. Nhưng cá nhân anh thấy rằng đây là việc không hẳn là cần thiết. Anh chỉ chi tiền để mua quyển Bộ đề ôn luyện Ngữ văn, ngoài ra, toàn bộ sách và tài liệu của anh ở môn Văn là do anh dành gần một ngày tìm trên thư viện trường. Anh tin rằng giá trị của tài liệu không phải nằm ở những gì nó viết mà là việc nó viết như thế nào. Tác giả của một quyển sách không thể chỉ có ở độ dài, mà yếu tính của nó nằm ở tầm vóc tư tưởng và độ dày về giá trị học thuật nguời đó có. Anh sẽ liệt kê tất cả những quyển sách anh dùng ở phía dưới kèm tên tác giả để các em có thể tham khảo và tìm thử ở thư viện trường mình nếu cần. Trong trường hợp thư viện của trường các em không có, các em có thể tham khảo một số sách do những giáo sư tiến sĩ chuyên nghiên cứu và bình giảng có độ sâu như thầy Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Mạnh, Vũ Duy Thông,… Hãy tin anh đi, đừng đổ xô theo số đông với những quyển sách dày làm các em đắn đo và cảm thấy tự ti, văn chương là chuyện phong cách, sự độc đáo của ngòi bút chính mình khẳng định giá trị của bài dự thi, kiến thức cũng phải có tầm, tầm cỡ đó do mình tìm tòi, mình thu nhận, cá tính và văn phong của các em mới là điểm chính, một nghìn người có cùng dùng quyển tài liệu đó, văn phong đó thì cũng chỉ là họ, đi tìm cho mình tư liệu có giá trị và thể hiện được cá nhân mình, ấy mới là tầm cỡ!
    Một số quyển sách anh đã đọc toàn bộ, anh để ở đây nhé:
    - Phân tích và bình giảng các tác phẩm văn học 12 (tác giả chính Nguyễn Đăng Mạnh): đây là quyển sách khá ngắn nhưng nội dung viết là CỰC KỲ sâu sắc, sự bén nhạy của từ ngữ và kết cấu phân tích rất có chuyên môn. Dù vậy không phải bài viết nào cũng đều tay và đi chi tiết từng dòng thơ, từng hình tượng; nên các em hãy cứ đọc để hiểu được cách dụng ngữ cũng như phương pháp phân tích một số hình tượng tương đối khó khắn: Sông Đà, ông lái đó, sông Hương, …
    - Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam giai đoạn 1945-1975 (tác giả Vũ Duy Thông): quyển này gồm 2 phần. Nhưng mà anh nói trước là phần đầu của sách là vô cùng khó đọc, vì nó bàn luận về quan điểm mỹ học, tức là cái đẹp, với những dạng thức khác nhau. Hơn cả là sự liên hệ giữa hai bình diện văn học và triết học với giác độ soi chiếu vấn đề đa giác độ, từ thời cổ đại đến Trung cổ. Nhưng nếu các em chịu khó đọc và ngẫm kỹ những vấn đề được đặt ra và xem xét nội dung ở phần đầu này, thì anh tin chắc vốn từ của các em sẽ được tăng lên rất đáng kể, khả năng tư duy của các em cũng dần được linh hoạt hơn, viết có độ sâu hơn. Phần 2 của quyển sách là tập hợp những bài thơ kháng chiến trong giai đoạn 1945-1975 với những gương mặt tiêu biểu. Không chỉ mang khuynh hướng sử thi - khuynh hướng chủ đạo của giai đoạn này, mà bác Vũ Duy Thông còn tập hợp những bài thơ tuy viết về kháng chiến nhưng lại có trọng tâm nằm ở tình cảm gia đình và tình yêu đôi lứa nữa. Nếu các em lọc lựa ra một số ít dòng thơ hay, các em sẽ có tư liệu liên hệ rất ư là chất lượng, không thể đụng hàng với ai được. Phần này các em liên hệ được cho các bài thơ lớp 12 cùng chủ đề về kháng chiến như Tây Tiến, Tố Hữu, Đất Nước.
    - Thơ - Điệu hồn và cấu trúc (tác giả Chu Văn Sơn): nếu hỏi riêng cá nhân anh xem trong số các tác giả bình giảng và cảm thụ về các tác phẩm văn học cũng như lối dụng ngữ thì anh thích ai nhất, anh tự tin trả lời là thầy Chu Văn Sơn. Anh thích lối viết của thầy là vì tính chất thơ, câu văn dài trùng phức nhưng có nhịp điệu, vần khảm vào câu từ nên đọc văn bình giảng của thầy, tụi mình như đang được đọc thơ, khoái cảm thi hứng là cảm giác chủ đạo khi anh đọc sách do thầy viết. Quyển này tuy viết không hoàn toàn cận kẽ từng từ, phân tích từng dòng, nhưng nó lại đi sâu vào bố cục và cấu trúc thơ, phân tích các giá trị nghệ thuật trong sự tế vi của ngôn ngữ. Nên anh khuyên nếu các bạn chưa thật sự tự tin với kiến thức cơ bản thì chưa nên tìm đọc quyển này. Còn bạn nào đã có tìm hiểu về các bài thơ và nội dung phổ thông rồi, các em nên đọc thêm quyển này để bổ sung thêm cách thức phân tích tác phẩm dưới lăng kính nghệ thuật, dẫn dắt câu từ và làm chủ ngòi bút đi từ nghệ thuật đến nội dung nhằm để khẳng định văn lực của các em :3
    - Chân dung nhà văn Việt Nam hiện đại (nhóm tác giả): gồm 2 tập. Hai quyển này không phải tụi mình dùng để phân tích đâu các em ạ, mà tụi mình nên dùng chúng như là nguồn cảm hứng và đi tìm cách thức sử dụng ngôn ngữ đa dạng khi làm văn. Nội dung hai quyển này là các bác tác giả đi sâu phân tích về phong cách cũng như cuộc đời các nhà văn tiêu biểu thời hiện đại, có một bộ phận là các tác giả tụi mình quen thuộc như Xuân Quỳnh, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, … Mỗi tác giả được đào sâu khai thác ở các phương diện khác nhau, đọc 2 quyển này sau khi đã có kiến thức nền tảng, các em sẽ thấy được thêm về giá trị của phong cách của họ, đào sâu hơn về nền tảng các dòng thơ của họ. Quan trọng hơn hết khi các em đọc 2 quyển này là các em sẽ được mở ra một hướng tiếp cận vô cùng sâu sắc và có giá trị trong cách dụng ngữ, cách diễn đạt, sao cho cùng nói về một vấn đề mà tụi mình vẫn có thể đưa ra cách thức diễn giải câu từ tinh tế, mượt mà, có vần điệu. Bên cạnh đó các em còn có thể học được thêm về tác giả, danh xưng của họ và các tác phẩm có thể liên hệ. Anh thích nhất trong số các bài viết là về tác giả Xuân Diệu và Xuân Quỳnh (Cánh chuồn báo bão) do thầy Chu Văn Sơn viết á, hay lắm hay lắm :3
    - Chiếm trọn điểm bài nghị luận văn học lớp 11-12 (tác giả Hoàng Khánh Duy): Anh Duy là một tác giả trẻ, bút lực và ý tưởng dồi dào, anh lại có quy mô kiến thức tương đối có độ sâu, ngôn ngữ dễ đọc dễ thấu; nên anh khuyên các bạn, nếu các em chưa biết phân tích gì khi đối mặt với tác phẩm, các em nên đọc quyển này đầu tiên. Cố gắng dành thời gian xem xét, ghi nhớ và vận dụng vào bài làm các ý tưởng và hướng đi trong quyển này, anh tin chắc kiến thức khái quát của các em cho dàn văn bản thơ cùng văn xuôi lớp 12 là tương đối đầy đủ.
    - Còn đây là một bí quyết dành cho mấy bạn có hứng thú với nội dung văn học nâng cao cũng như là muốn tìm đọc mấy cái hack não tí nè. Đây là do anh khám phá ra đó nhe :3. Các em hãy lên trang web của Viện Văn Học Việt Nam (http://vienvanhoc.vass.gov.vn/Pages/Default.aspx) để đọc những bài phê bình và lý luận nếu các em tự tin với kiến thức của mình. Đọc để biết được rằng mình đang ở vị trí nào, để biết được văn học là thế giới riêng nó, đặc thù và đầy xáo trộn, đa bội cầu kỳ; học văn đi xa hơn cả ở cái các em biết trong chuẩn kiến thức, nó là việc các em tìm được cho mình cá tính và văn phong, phẩm tính và niềm say mê đích thực hơn cả. Cũng nên nói trước là bài viết trên đây không dễ đâu nhé, cho nên phải bình tĩnh và cố gắng thì mới đọc hết được một bài tiểu luận trên Viện Văn Học.
    - Bên cạnh đó, vì không tìm được tài liệu mình thích nên anh TỰ TỔNG HỢP tài liệu cho mình về các dẫn chứng cốt yếu trong sách giáo khoa cũng như các dẫn chứng liên hệ. Anh sẽ để link tài liệu này do chính anh tổng hợp ở đây để các em lưu về và học dẫn chứng dễ hơn nha: https://drive.google.com/file/d/1yjkSBqP6UYC_QHKVXaoA5KnfpUiOXgXu/view?usp=sharing; https://drive.google.com/file/d/11opWmKXvSxR1nQWaWGf1UtiC14CRKbSw/view?usp=sharing
    - Anh cũng có học nhóm chung với mấy bạn anh nữa, nhóm học của anh tên là THE G5. Tụi anh tự tổng hợp và sắp xếp tài liệu nên rất dày. Tuy nhiên, vì lưu lượng tương đối nhiều và kiến thức rất nhiều nên có phần tương đối lộn xộn. Vì vậy mà có lẽ sẽ có phần sai sót, các em thông cảm nha. Tham khảo tài liệu này sẽ cho các em nền tảng hiểu biết đa dạng lắm á, nhưng phải nắm vững kiến thức cơ bản rồi mới đọc cái này nha!!! (https://drive.google.com/file/d/1sIpye5VL2dktrEN9ZoC7nfaCybFjNPMI/view?usp=sharing)
    Anh vừa mới liệt kê một số quyển sách tiêu biểu mà anh lọc lựa sau khi đọc để mong các bạn tìm được tư liệu tham khảo cho bản thân. Anh vẫn có một số quyển nữa nhưng vì còn phần sau của bài viết nên anh sẽ chia sẻ thêm trong video sẽ có sau nha!
    - Bàn về văn phong, anh là người mà theo anh tự nhận định là hơi một tí xíu dị biệt. Văn chương với anh là chuyện cảm xúc, nên anh không chấp nhận sự tương đồng giữa mình và các bài văn khác của các bạn đồng trang lứa. Nên anh muốn chia sẻ thêm với các em một số vấn đề khác nữa khi học môn Văn mà nó đã phát huy giá trị với anh, các bạn có thể thử với bản thân mình nhưng anh mong rằng, các em vẫn có thể tìm cho bản thân đâu là điều phù hợp nhất chứ không hẳn là phải gắn chặt với sự chia sẻ của anh:
    + Trong giai đoạn này vẫn chưa vào học quá gấp rút, nên anh nghĩ có một cách để rèn luyện tư duy ngôn ngữ. Bình thường tụi mình thường hay nghe các bài nhạc cổ điển không lời, nhạc tha thiết trữ tình đa cung bậc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc cách mạng để lấy cảm hứng,… anh thì lựa chọn cho mình một hướng đi khác để thử rèn luyện việc diễn đạt. Anh nghe nhạc của Imagine Dragon ‘))))))), anh biết nghe rất là kỳ quặc đúng hông, anh đã cố gắng viết trong khi nghe nhạc thể loại rock này, duy trì nó liên tục 2 tuần trong giai đoạn mà chưa học nhiều thứ lắm ở đầu năm học. Vậy là anh nghĩ nó hơi tào lao lúc đầu, nhưng về sau anh tự tin là mình làm đúng. Anh không bị xao nhãng thậm chí có người nói chuyện. Thêm là các em cần hiểu rằng, dù được bố trí và sắp xếp một cách vô cùng kỹ lưỡng, không có nghĩa là không vì yếu tố khách quan mà phòng thi của các em sẽ im lặng hoàn toàn. Bữa anh thi chó sủa gần 30 phút, tức hông :) Nên, dù không thật sự khuyên các bạn làm theo anh vì anh biết không phải ai cũng phù hợp và không phải ai cũng có thể kiên trì với cách này, nhưng nếu được các bạn thử coi sao :33
    + Kế tiếp là về việc viết. Anh biết nhắc tới này là dễ tranh cãi lắm. Trước hết anh cần phải đính chính như thế này, môn Văn đúng là môn đòi hỏi khả năng bảo lưu cảm xúc và duy trì cảm xúc để có thể tạo ra được mạch văn vừa dồi dào, vừa tinh tế. Tuy nhiên, đặc thù trong giai đoạn này, nó hoàn toàn khác biệt với việc “thai nghén” cảm xúc của các tác giả văn học, viết sách, v.v. Cho nên tụi mình cần phải viết, phải viết để luôn có cảm xúc - tuy cách thức hiện hữu của cảm xúc này không giống như việc sáng tác văn học - nhưng phải giữ cho nó luôn có, cháy âm ĩ để đến các sự kiện đặc biệt như kiểm tra học kỳ hay lớn nhất là thi TN sắp tới á. Đối với cá nhân anh thì anh viết 2 dạng: tạp văn và luyện đề nghị luận văn học. Về tạp văn thì anh viết vu vơ, viết những cái anh tự nghĩ, tự ra, tự phát xuất từ cảm xúc của mình. Đôi lúc, tạp văn cũng có dính líu với các tác phẩm, nó làm anh viết ra được những dòng văn để làm tư liệu cho lúc phân tích (Ví dụ như một ngày đẹp trời vậy á, anh tự viết như thế này về bài thơ Sóng: “Dường như Xuân Quỳnh vẽ tình yêu bằng âu lo, họa tâm tình bằng nỗi nhớ, khắc suy tư bằng nỗi niềm; nên mỗi tiếng thơ đều ướm sắc bồn chồn, khắc khoải những tâm tình khó nói” - đây hoàn toàn là giọng văn do anh tự trong chốc lát viết lấy, bản thân anh cảm nhận nó đúng với ý mình nên anh rất vui. Thêm là nếu đó là do mình tự viết thì các em cũng dễ thuộc hơn nữa đúng hông?). Còn phương diện còn lại của phần tạp văn thì anh viết mấy cái theo tâm trạng anh, tự suy tự diễn, vô lo vô nghĩ, chẳng có trước sau, tự khắc mà thành, ví dụ như vầy nè, đọc đừng cười anh nghe hhuhhuhu: “Hay anh uống tình yêu bằng trăng tan, liếm láp cung bậc khi hạt sương đêm chưa rĩ giọt. Anh ghì bám mình trên ngọt bạch dương, rú theo gió và đòi ôm mây vào mộng.” Còn vấn đề còn lại của việc này là vô cùng quan trọng nè, việc viết luyện đề nghị luận văn học. Tính tới thời điểm thi, anh đã viết tổng cộng 65 đề nghị luận văn học, tiêu hao hơn 10 hộp viết mực, riêng trong 2 tuần trước khi thi, anh viết 10 đề, tiêu hao 3 hộp viết mực. Các đề này anh viết trải đều ở các tác phẩm, cố đi từ phân hóa thấp đến cao, bao hàm toàn bộ các bình diện của cùng một tác phẩm, phân tích nhiều quan điểm cùng một tác phẩm, nội dung và nghệ thuật từng khổ thơ, v.v. Bao giờ khi đi đến tận cùng mạch cảm xúc của mình ở một bài văn, anh đều đạt được khoái cảm khó diễn đạt, nó cho anh cảm giác chinh phục được chai lì và bất lực của mình, anh không biết so sánh liệu có giống với việc mấy bạn chuyên Toán giải quyết được một bài toán khó hông, nhưng mà nôm na anh rất yêu cảm giác chính mình hoàn thành được một bài văn thoe cảm xúc của bản thân. Anh biết không phải ai cũng đủ nghị lực đi từ ngày này qua ngày khác và luyện viết như thế; nhưng hãy tin anh, việc duy trì cảm xúc như thế mà phát triển ý niệm văn chương của mình sẽ là hành trang vô cùng đáng giá. Nó luyện cho các em nội lực tinh thần và khiến cho khớp tay các em linh hoạt, viết được trong thời gian dài mà không bị mỏi, bị đơ, bị đau hay chuột rút, bằng cách đó, tốc độ ký thác ngôn ngữ của mình lên trang văn có phần thêm nhanh hơn, liên tục hơn.
    Đọc và viết là “liên tu bất tận”. Đọc dự trù cho tri thức và khơi mạch cảm xúc. Viết tạo dòng chảy cho xúc cảm tuôn ra, viết lại gắn liền với quá trình hình thức hóa cảm thức thẩm mỹ có từ đọc, duy trì năng lực mỹ cảm và điều tiết độ tinh tế của câu từ. Nên chỉ đọc mà không viết, xúc cảm không được tôi luyện. Chỉ viết mà không đọc, mạng lưới tinh thần của câu chữ thiếu hài hòa, thiếu tinh tế, thiếu dữ liệu. Vì thế anh vẫn hết lòng khuyên các bạn, bẻ cái chai lỳ và lười biếng của mình, đập bỏ khuôn khổ của sự tiếp cận chán ngắt thường thấy để chạm chân đến những gì đẹp nhất của văn chương. Nên đầu tư cho mở bài hay chỉ tập trung ghi lại phần chuẩn kiến thức là đủ cho mở bài?
    - Với cá nhân anh, anh sẽ đầu tư tương đối nhiều cho phẩn mở bài. Tuy được nhiều thầy cô góp ý, nhưng anh vẫn xác định cho bản thân mình là mở bài, với anh, phải là cái gì đó đặc biệt. Lý do mà anh lựa chọn như thế là vì anh cho rằng mở bài cần phải là ấn tượng đầu tiên. Quyết định đầu tư vào mở bài tất nhiên là các em phải chịu dành thêm thời gian cho phần giới thiệu tác giả tác phẩm ngay sau đó; tuy nhiên, một cái mở bài có độ sâu, ấn tượng và thể hiện độ sắc xảo của câu từ mang lại cho các em 2 lợi thế:
    + Nó tác động mạnh vào ý niệm của giám khảo, làm nổi bật bài viết của các em, cho giám khảo thấy được bút lực của mình và tạo ra một thiện cảm làm đà cho các ấn tượng về ý trong các đoạn văn sau đó nữa.
    + Nó giúp cho các em có được sự khởi đầu trơn tru, cảm nhận được mạch văn ngay từ sớm, không dành thời gian loay hoay cho việc tìm dùng từng câu, từng từ. Các em sẽ có ngay được mạch cảm xúc để có được độ liên tục của bài viết, không bị tắc nghẽn quá trình lưu thông của tư duy.
    Lựa chọn mở bài như thế nào là khôn khéo?
    - Chúng ta có rất nhiều cách mở bài khác nhau: cơ bản như giới thiệu tác giả, tác phẩm; mở đầu bằng vài dòng thơ; mở đầu bằng ca từ; mở đầu bằng một chủ đề có liên quan;… Nhưng anh cho rằng, tất cả các cách mở bài đó đều có một điểm yếu tính chung đó là nó không mang tính phổ quát, tức là nếu lựa chọn theo những cách trên, các em buộc phải học thuộc từng mở bài khác nhau để phục vụ cho từng đề riêng biệt, từng yêu cầu riêng biệt. Do đó, nếu các bạn có tự tin vào bản thân và muốn xác lập cho chính mình một ấn tượng đặc biệt, anh khuyên các bạn nên dùng đến lý luận văn học và tách chiết, chuyển đổi một số câu từ của những đoạn, những câu mà các em thấy hay để có thể sử dụng cho mở bài của mình. Nhưng tụi mình cũng nên khôn khéo lọc lấy những cách diễn đạt dễ đi vào chủ đề bài văn, tránh lựa chọn những cái quá vĩ mô, khó thực hiện thao tác chuyển ý. Sau đây là mở bài mà hầu như anh dùng cho toàn bộ các bài văn của anh, ở lớp, và cả đi thi nữa ‘))))))))))))))):
    “Nghệ thuật phải bật ra từ vô thức. Người nghệ sĩ gánh trên vai mình sứ mệnh khai thác tự do nhất có thể ngay trong những hình ảnh chiêm bao và hướng về một siêu thực tại nơi không còn nữa những đường ranh giới giữa mộng và thực. Bản thân họ phải vượt qua sự kiểm duyệt của ý thức, để trí tưởng tượng được tự do bay cao, bay xa và rồi đón nhận ngôn từ, hình ảnh cùng nhiệt hứng đến với mình. Vấn đề về cảm hứng vô thức, trong địa hạt văn chương, cũng đồng thời góp phần kiến tạo nên thế giới nghệ thuật của văn nhân...”
    Và với cái mở bài như trên, anh rất dễ chuyển vào yêu cầu của đề, VÀ, ANH DÙNG ĐƯỢC NÓ CHO TẤT CẢ CÁC TÁC PHẨM, CÁC NHẬN ĐỊNH, CÁC DẠNG ĐỀ KHÁC NHAU, TẤT TẦN TẬT. Tuy nhiên, anh biết việc kiếm tìm những yếu tố như thế này và thậm chí còn phải tinh chỉnh, biến tấu, thấu hiểu được chúng không phải chuyện một tối một chiều. Anh cũng biết không phải tất cả các em đều có thể ghi nhớ và dẫn cách hành văn này vào bài của mình một cách suôn sẻ. Nên anh chỉ chia sẻ với các bạn quan điểm cá nhân anh mà thôi. Các em hoàn toàn có thể tự tìm cho mình cách mở bài nào mà bản thân các em thấy phù hợp và nó dễ cho các em dẫn vào yêu cầu đề, dễ cho các em duy trì mạch văn và làm các em thấy tự tin là được :3 Một số lưu ý thêm: các em phải giới thiệu tác giả, tác phẩm dựa trên chuẩn kiến thức sách giáo khoa, đừng đi theo các nội dung lan man của các sách tham khảo; các em luôn phải chốt về nghệ thuật trước khi đi qua phần kết bài; các em phải luôn ghi nhớ yêu chính của đề, đừng đi theo quán tính phân tích từng câu từ mà quên đi cái cụm từ chủ chốt ví dụ như “tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân” hay “hình tượng Em”, … coi kỹ cái đề!!!!; các em phải luôn đảm bảo lý trí của bản thân khi viết, đừng dần dần về sau vì đi theo cảm xúc mà không còn làm chủ cách dùng từ, làm bài văn mất cân đối; các em nên (chỉ là “nên”) phân tích từ NGHỆ THUẬT sang NỘI DUNG để có thể gây hiệu ứng thẩm mỹ lên giám khảo, này là yếu tố nâng cao á!!!
    Anh nhớ mại mại được nhiêu cái ở phần Nghị luận văn học á :((, nên các em còn khó hiểu chỗ nào cứ inbox anh haaaaa :333 Anh sẽ cố gắng trả lời trong hiểu biết còn non kém của anh để giúp các em thiệt nhiều <3 Còn một số vấn đề nữa liên quan đến Nghị luận xã hội và đọc hiểu. Này lại là một vấn đề khác RẤT DÀI, huhu, viết chắc tới chiều quá, nên anh sẽ share trong video gửi đến các bạn sau nha :) Chi tiết quá cũng hơi khổ, hic!
    ---
    LỊCH SỬ
    Từ lúc lịch sử trở thành môn trắc nghiệm, nó không chỉ đòi hỏi mình ở môn học thuộc nữa mà còn là tư duy ngôn ngữ dữ dội lắm. Cho nên anh khẳng định với các bạn rằng, nếu chỉ trong tư thế xem lịch sử là môn học thuộc là được như ở các khối dưới, không bao giờ các bạn chạm được mốc 8+. Và cũng đừng giữ cho mình mơ mộng là Sử dễ ăn điểm hơn Toán nên mới chọn D14. Toán học là tư duy số học, lịch sử là tư duy ngôn ngữ. Do đó, anh muốn share với các bạn một số vấn đề như vầy nè.
    Anh không biết với các bạn ra sao. Còn anh anh thấy mình may mắn khi có được cả 2 cô dạy mình ở môn này đều quá tuyệt vời. Nên anh vẫn tin rằng, môn Sử, khi học, cần có người hướng dẫn đúng đắn hướng các em đến hạt nhân môn học và kiến thức của nó.
    Học bài mấy em ơi :) Học cho nát cái cuốn sách giáo khoa nếu các em muốn 8+. Anh nói thiệt là phải thuộc bài, nói theo cô của anh là “HÁ MIỆNG RỚT CHỮ”, mấy cái trọng yếu: thời gian, sự kiện, hoàn cảnh, … Còn một vấn đề anh hay thấy mấy bạn thường hay mắc phải khi đọc sách nè (lúc trước anh cũng vậy á, mà từ từ cái anh bớt ngáo ra), là đừng bao giờ đọc vu vơ thấy hiểu rồi thôi. Anh không biết với mấy môn kia sao, Sử độ nhiễu của đáp án là rất khó chịu. Anh ví dụ câu hỏi: “Hội Việt Nam CMTN (6/1925) đã thực hiện việc truyền bá nội dung gì vào Việt Nam?”, đáp án đưa ra có 2 câu trả lời “A. Lý luận giải phóng dân tộc” và “B. Lý luận Mác-Lenin”, nếu các em hỏng học bài kiến thức đâu ra chọn giờ huhu. Nên học đi, tin anh, nhét vô, từ kiến thức thầy cô đóng cuốn cho đến kiến thức sách giáo khoa. À còn này, đọc SGK là đọc luôn chữ nhỏ, và CÂU HỎI cuối bài luôn :) Có khi câu trả lời nó nằm trong đó đó mấy em, cô anh chỉ mà anh kiểu ngó trơ trơ ra hết hồn, thấy đời sống này còn quá nhiều góc khuất, kiểu vậy á :). Anh đưa ra ví dụ như câu hỏi “Cuộc kháng chiến chống Pháp 1946-1954 của dân ta mang tính chất gì?”, mấy em lật SGK trang 138, câu hỏi cuối bài á, mấy em mới thấy đáp án đúng là “tính chính nghĩa và tính nhân dân”, chứ hông là toi huhu, đáng sợ lắm. Nhớ nha, tin anh dụ này đi, học cho thật chắc cái thầy cô đưa, đọc đúng theo nghĩa đen là đọc hết cuốn sách, đọc luôn câu hỏi, chữ in nhỏ in nghiêng, đọc luôn mấy bài tổng kết chương thì các em sẽ tạo lập được nền tảng chắc lắm.
    Tiếp theo là các em không nên nhồi nhét những gì không cần thiết và chắc chắn khi đã chuyển đổi qua trắc nghiệm, có một số nội dung là không thật sự đòi hỏi việc nhớ quá rạch ròi đâu. Dung lượng bộ nhớ của tụi mình có hạn, nên đừng dung nạp những cái ngoài lề. Anh có thể liệt kê những cái cụ thể mà các em không cần nhớ: diễn biến CHI TIẾT các cuộc kháng chiến (nhớ mấy cái trọng tâm thầy cô đưa được rồi), tên các cuộc hành quân như Ánh Sáng Sao, Lam Sơn 719,… (các em chỉ cần nhìn mặt để biết khái quát tụi nó là gì được rồi, đừng quá cận kẽ), các khái niệm vĩ mô không đúng với chương trình học như Chủ nghĩa Mac Cacti chẳng hạn. Hãy để trí nhớ của mình phát huy đúng những thứ cần thiết? Vậy những cái nào là vô cùng cần thiết để phải học và nhớ để đạt điểm tốt? Anh trình bày sau đây nè.
    Thuật ngữ sử học. Đây là một chuyên đề vô cùng khó, mang tính đặc thù của bộ môn nên buộc các em nhớ càng nhiều càng tốt. Muốn nhớ kỹ thì phải hiểu rõ, không nắm bắt được vấn đề đang nói đến là gì thì toàn là điều vô nghĩa khi học mà thôi. Tuy nhiên dung nạp kiến thức này cũng cần có chọn lọc, vì cần phải bám sát chương trình học chứ đừng tìm những gì vĩ mô quá. Bộ mà đã hỏi thì các em không bao giờ đoán trước được độ nhiễu cao như thế nào đâu. Nên chuẩn bị không bao giờ là thừa đâu. Ví dụ như đề thi năm 2018 hay 2019 gì đó (anh quên ời huhu), Bộ hỏi chiến thắng Phước Long được xem là gì, đâu ai ngờ đáp án là “Trận trinh sát chiến lược”, một kiến thức thuộc chuyên đề thuật ngữ đâu? Nên hãy cho mình một hành trang vững chắc. Các thuật ngữ cần phải bám sát vào chương trình như: An toàn khu, chiến thuật gọng kìm (Nói về Kế hoạch Bolae của Pháp trong năm 1947 đánh lên Việt Bắc I), chiến thuật khóa then cửa (Nói về kế hoạch Rove của Pháp trong năm 1949 đánh lên Việt Bắc II), “oa tâm tạng chiến thuật” (nói về chiến dịch Điện Biên Phủ),… Nhớ kỹ những điều này để chuẩn bị cho mình hành trang thật tốt. Vậy lấy nguồn thuật ngữ ở đâu là đáng tin cậy, anh xin chia sẻ với các bạn những nguồn anh tham khảo do chính anh tự tìm tòi và biết được nhé:
    + Trang web của Đảng Cộng Sản Việt Nam (link: http://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-...cong-san-viet-nam/tu-lieu-90-nam-lich-su-dang) đây là một trang web chính thống, nên mình hoàn toàn tin tưởng vào nội dung đề cập. Bên cạnh đó, nội dung được cập nhật trên trang web là vô cùng đáng giá, nó cho tụi mình biết được rất nhiều thứ xoay quanh vấn đề học lịch sử. Nếu chỉ đọc trong SGK, tụi mình sẽ chỉ biết được bên lề, vào đọc trang web này, kiến thức của các em sẽ được mở rộng đáng kể. Khác biệt của một học sinh có nghị lực và một học sinh ngóng vọng phí hoài là nằm ở hành động.
    Anh để ở đây kiến thức và tư liệu anh tìm được, giá trị và sự phát huy nó nằm ở các bạn, điểm số do các bạn, tận dụng và chấp nhận đi đến cùng của nó là quyết định của các bạn!
    + Giáo trình lịch sử Đảng (file: https://drive.google.com/file/d/1tfzrlBiL3Ufgg-oCkc3DHXtVNQNIjfCb/view?usp=sharing). Sau khi đọc xong kiến thức SGK và tham khảo trên trang web, các em hãy vào đây đọc để lấy thêm kiến thức nhé, nó vô cùng quý giá và đáng đọc á.
    + Quyển sách Bức Phá môn Lịch Sử cũng có chuẩn bị cho tụi mình cả một chuyên đề về vấn đề này, nên các em cũng có thể hỏi mua về tham khảo :3
    + Trong suốt quá trình anh học, anh cũng đã tập hợp được một lưu lượng đáng kế các vấn đề về thuật ngữ, nên các bạn cần thì cứ inbox cho anh nha, anh sẽ share hình với các bạn tại vì anh tự soạn ra nên hông có file đầy đủ, chỉ có một số anh để ở đây thôi. (https://drive.google.com/file/d/1LDAzItR5Wbs_arRucyAAtP3HN-cv_y7E/view?usp=sharing)
    Luôn luôn có một cuốn sổ tay trong người để ghi lại các LỖI CHẮC SAI của bản thân và những kiến thức DỄ NHẦM LẪN hoặc các vấn đề MỚI LẠ, NÂNG CAO. Ghi phải có hệ thống, phải cách dòng và rõ ràng, làm nổi bật số thứ tự và ghi không lẫn lộn kiến thức này với kiến thức khác. Nói vậy không có nghĩ là mình ghi hết mấy cái phải học, mà là ghi những cái thầy cô giảng, mấy cái đáng giá, đáng học mà bản thân sợ sẽ sai. Tập giải đề! Đề lấy ở đâu? Đừng bao giờ bị chao đảo kiến thức bởi các tài liệu tràn lan thiếu chọn lọc trên các trang mạng. Mà hãy lựa chọn và biết áp dụng kiến thức đúng chỗ.
    1.Tốt nhất vẫn là các đề thi minh họa, đề thi thật của Bộ kể từ năm 2018. Các em nên lựa chọn làm cả 4 mã đề gốc của mỗi năm để so sánh, đối chiếu về nội dung kiến thức.
    2. Một nguồn nữa là, đề thi thử, đề khảo sát của các sở GD-ĐT trong nước, các trường THPT của các tỉnh, tuy đề thi này có thể có sai sót, nhưng mức độ là không đáng kể, do vậy cũng là nguồn tư liệu anh lựa chọn để làm trong quá trình ôn (anh cũng sẽ để link các đề thi do anh tổng hợp ở đây nếu các em có cần nha :3: https://drive.google.com/file/d/1WVq5ulxwQYilPNwKW1koDm0ZOuO6vPlS/view?usp=sharing).
    3. Nguồn kế tiếp là các sách của thầy Nguyễn Mạnh Hưởng. Ui nhân vật idol giới trẻ của mấy đứa thi bên Lịch Sử ‘))))). Thầy thì khỏi nói ời, ngoài đẹp trai thì thầy còn soạn sách pro lắm các em ơi!!!! Nội dung sách của thầy là rất sát với Bộ, có nhiều câu hỏi phân hóa rất cao, nhưng trải nghiêm của anh khuyên các em nên làm nó cùng với thầy cô mà các em tin tưởng, cũng như là cần hỏi kỹ lại chứ không theo đó mà tự học tự nhớ, phải hỏi lại thầy cô nếu đáp án lạ hay có tranh cãi khi các em xem bình luận tại trang Moon.
    4. Tài liệu chia sẻ tại Facebook: “Tài liệu Monster” cũng rất ngầu, các câu hỏi do admin soạn và tổng hợp phải nói là đáng tin tưởng hơn rất nhiều trang khác, nên các em cố gắng vào đây theo dõi, tham gia nhóm và làm các tài liệu được chia sẻ ở đây nha. Anh cũng có kèm link một tài liệu lịch sử rất hay do anh chị admin soạn ở đây, các em tải về học nha :3 (https://drive.google.com/file/d/1ZJOTwP97E-STIhN7ktXbKT6QG2jxf-kJ/view?usp=sharing)
    Phải có một nền tảng kiến thức thật vững đã thì hãy bắt đầu vào giải đề. Đừng nên vừa học xong chuyên đề này, mà chưa học chuyên đề kia nhưng đã lao vào giải. Vậy khi nào nên là thời gian giải đề? Sau khi các em học xong các kiến thức cơ bản của toàn bộ chương trình 12. Vào thời điểm này là các em có thể giải đề được để nắm thêm các kiến thức khó, phân hóa cao.
    Cũng nên nhờ thầy cô hướng dẫn thêm các kiến thức lớp 11 trọng yếu và việc so sánh. So sánh là vô cùng khó, lại mang tính phân hóa sâu sắc cho nên các em phải nắm RẤT CHẮC các sự kiện và nhiều phương diện của sự kiện đó, xâu chuỗi nó lại để có căn cứ loại trừ. Giải đề đòi hỏi sự kiên trì và khát khao chinh phục được mục tiêu nên nếu không thật sự nghiêm túc, cái các em nhận lại là cái các em đầu tư và chất lượng các em trau chuốt.
    Với cá nhân anh, con điểm 9.75 này đạt được là sau quá trình anh tin tưởng cô, anh học bài và cố gắng nắm các sự kiện. Anh đọc rất nhiều, sách và tư liệu nên anh thích cảm giác được liên hệ các vấn đề lịch sử mà mình đã học là vô cùng thú vị. Tính tới 1 tuần trước khi thi (ĐỪNG làm đề 1 tuần trước khi thi các em nhen, bị loãng á), anh đã giải tổng cộng 128 đề chưa tính các chuyên đề do cô anh đưa. Nên anh thật lòng khuyên các em dành thời gian cho ước muốn của mình. Cảm giác chinh phục được mục tiêu nó vô cùng khó tả!!!!!!
    Anh cũng có cả một tài liệu khá dày và theo anh là có ích vô cùng với bản thân khi học và thi, anh viết tay toàn bộ nội dung này nên mấy em cần cũng hãy cứ inbox anh thôi. Anh luôn ở đây để trả lời câu hỏi và share với các em :3
    ---
    ANH VĂN
    Môn này là môn nhọc nhất mấy em há ‘))), nhất là với mấy bạn mà chúng ta chưa có nền tảng nâng cao từ trước như tham gia các cuộc thi học thuật, kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, v.v. Nên anh chia sẻ dưới góc độ của bản thân anh thôi, cá em tham khảo nha!!!!
    Thứ nhất, nên hay không khi đăng ký các lớp học online? Với anh, NÊN. Điều này không đồng nghĩa với việc các em bỏ rơi kiến thức học trên lớp mà phải học cách cân bằng nội dung học từ 2 phía. Việc đăng ký các lớp học online có điểm mạnh của nó là ở chỗ tài liệu và tư liệu học tập. Một khối lượng đồ sộ các kiến thức từ khóa học sẽ là hành trang vô cùng vững chắc. Hơn hết là á, học online có một điểm là deadline sml á mấy em huhu, SML đúng nghĩa áhhhhhhhhhhhh :) Cho nên tụi mình cũng có động lực để làm và có chút gì đó ràng buộc nữa đúng hông. Với anh thì anh đã học với cô Phí Thị Bích Ngọc ở giai đoạn đầu, giai đoạn sau anh chủ yếu xem livestream công chiếu của cô. Anh đã học cùng cô xuyên suốt các thời điểm và làm gần như toàn bộ tài liệu của cô gửi. Vì vậy anh khuyên các em nên tham khảo và tự xem xét nếu có khả năng nên học online ở môn Anh Văn. Tuy nhiên, các em cũng phải đồng thời giải quyết vấn đề tại lớp, các tài liệu của thầy cô đưa. Tụi mình nên tự xem mình là vai trò của người tiếp thu kiến thức chứ đừng vì kiến thức đã học qua lớp online rồi sau đó bỏ lơi việc học tại lớp và việc “lên mặt” với thầy cô trực tiếp, điều đó thật sự không nên.
    Thứ hai, nếu tự học thì lấy tài liệu ở đâu? Anh khá là tự tin ở bản thân về việc ý thức, tuy không quá xuất sắc nhưng anh tin sự đầu tư cho quá trình học của anh là xứng đáng nên bản thân anh cũng nhận được điều khiến anh vô cùng hạnh phúc. Bên cạnh tài liệu của cô Ngọc và thầy anh đưa trên lớp, anh cũng làm thêm rất nhiều nội dung mà anh thấy chưa chắc chắn tại trang web: https://thichtienganh.com/. Đây là nguồn tài liệu vô cùng quý giá mà các em nên tham khảo và luyện tập, hoàn toàn miễn phí nhưng “truất” khỏi nói. Anh sẽ một số tài liệu mà anh đã tải ở web mà anh thấy hay ở bên dưới cho các em xem nha! +https://drive.google.com/file/d/1HMdhzHDN5d3ix9qN5Nb-6huaOvw8KR42/view?usp=sharing +https://drive.google.com/file/d/1kUsFDpPRuisMnI_whjBRWn3JEUg0QdgT/view?usp=sharing +https://drive.google.com/file/d/1JMPVNhrX7PtLHrjW6eKpOQqHIX7eFK4M/view?usp=sharing
    Thứ ba, học nhồi càng nhiều càng tốt các nội dung sau: COLLOCATION, IDIOM, PHRASAL VERBS, PHÁT ÂM, TỪ VỰNG. Các nội dung anh vừa liệt kê mang tính đặc thù lắm, cho nên tụi mình không thể học bình thường được, buộc phải học nhồi thôi.
    Anh sẽ share với các em 2 tips sau:
    + Luôn chuẩn bị cho mình một quyển sổ tay. Viết sau cho thật rõ ràng, đừng hoa hòe quá vì mình phải học rất nhiều và ghi chép khá thường xuyên nên đừng quá chú ý về mặt hình thức, miễn sao luôn có thể thấy rõ ràng và nắm được kiến thức mình ghi là được nha các em yêu vấu HÍ HÌ HI ‘)))))). Viết rồi thì phải học, anh luôn xem đi xem lại quyển sổ tay ghi chép các nội dung này, rảnh là anh lấy ra đọc. Không phải kiểu học a b c x y z, đọc lào lào đâu, mà các em chỉ cần nhớ được thứ tự và cấu trúc của từ ngữ là được. Đọc liên tục, đọc lặp đi lặp lại, đọc hết đọc nữa, đọc không ngừng, duy trì mỗi ngày, ít nhất là 30 phút.
    + Dùng ứng dụng Quizlet. Đây là ứng dụng rất tốt cho việc học các nội dung đặc thù nêu trên. Nhưng nó không thật sự cần thiết nếu các em thấy chỉ cần học từ quyển sổ là được. Nếu như vậy thì không cần tốn thời gian nhập nội dung từ sổ tay lên ứng dụng. Việc sử dụng nó như thế nào là tùy ở các em á :3
    Thứ tư, giải đề để nắm bắt được tốc độ bài làm. Còn một vấn đề khác nữa là đọc hiểu. Này thật sự là còn nhiều lắm lắm cái cần nói xung quanh chuyên đề này, nên anh sẽ chia sẻ với bạn nào cần ở video anh làm sau nha :3
    ---
    Vừa rồi là những chia sẻ của anh về lộ trình ôn thi khối D14 (Văn, Sử, AV). Những chia sẻ vừa rồi là từ quá trình ôn luyện chủ quan và phù hợp với anh, nên anh rất vui khi có thể chia sẻ với các bạn! Không phải tự nhiên mọi thứ chúng mình học đều sẽ xuất hiện trên đề thi, nhưng tầm vóc và hiểu biết thì vẫn còn đó. Tụi mình đều đồng trang lứa với nhau cả, tụi mình còn có nhiều ơi là nhiều thứ cần phải học hỏi, nên anh rất lấy làm tự hào khi nỗ lực của mình có thể đồng hành với các bạn - những người có tâm huyết và có quyết tâm cao. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc hay cần thêm chia sẻ gì á, các bạn cứ thoải mái liên hệ anh, anh hứa là sẽ sẵn sàng chia sẻ và lắng nghe các bạn, gửi tặng các bạn những tư liệu anh có nữa nha :3 (Còn video anh tổng hợp thì anh sẽ tranh thủ làm cho nhanh, huhu, các bạn thông cảm cho anh).

    Cố lên cố lên cố lên, 2k3 của mấy bạn sẽ cũng kha khá sóng gió đó :((( Nhưng mấy bạn làm được mà ‘)))), anh thấy ai 2k3 cũng giỏi hết trơn áh!!!
    ---
    Trân trọng,
    Võ Lập Phúc.